Chiến dịch lần thứ tư Chiến_tranh_Thục-Ngụy_(228-234)

Giao tranh

Lúc này nhà Thục Hán đã trị vì được 9 năm, tháng 2 năm 231, Gia Cát Lượng lại thống lĩnh đại binh xuất phát từ Kỳ Sơn, tiến hành cuộc Bắc phạt lần thứ tư. Mục tiêu lần này vẫn là đánh chiếm đất Lũng Hữu nhưng tiền đồn để xuất quân đẩy lên Vũ Đô, Bình Dương. Quân Thục lần này dùng xe trâu (trâu gỗ, ngựa máy) vận chuyển quân lương tái xuất quân đến Kỳ Sơn và tiến vào Kỳ Sơn Bảo, huyện Lễ, tỉnh Cam Túc tấn công quân Ngụy.

Vua Ngụy là Tào Duệ đích thân đến Trường An chỉ huy chiến đấu, ra lệnh cho Tư Mã Ý thống soái các tướng lĩnh Phí Diệu, Đới Lăng, Quách Hoài làm tiên phong, còn mình thì dẫn đại quân đến thẳng Kỳ Sơn. Lúc này Tào Chân, người từng chỉ huy cuộc phòng ngự chống lại những cuộc Bắc phạt của Gia Cát Lượng chết năm 231, Tư Mã Ý lên thay chức và đảm nhiệm vị trí đối đầu trực tiếp với Gia Cát Lượng.

Gia Cát Lượng phái một cánh quân vây khốn Kỳ Sơn và tự mình chỉ huy quân chủ lục chuẩn bị giao tranh một cánh quân tăng viện của nước Ngụy. Đứng trước quân Ngụy hùng mạnh, hung hãn, Gia Cát Lượng không chủ quan, khinh địch, ra lệnh cho quân lính chiếm cứ vùng rừng núi hiểm trở, bố trí trận địa sẵn sàng nghênh tiếp đối phương. Hai đại quân Ngụy-Thục cờ bay phấp phới, chờ tiếng trống xung trận, giao tranh lúc nào cũng có thể xảy ra.[24]

Lúc này người thống soái quân Ngụy được chuyển sang cho vị tướng tài ba giỏi dùng binh là Tư Mã Ý. Tư Mã Ý nghĩ rằng quân thù lương thảo ít, không thể đánh lâu dài nên dựa vào thế đất hiểm yếu để cố thủ, không chịu đánh. Tư Mã Ý giữ quân đồn trú, chiến lược của ông là đợi cho quân Thục phải gặp khó khăn vì việc tiếp tế quân lương. Tư Mã Ý chỉ huy quân Ngụy, dựa vào địa thế hiểm yếu để cố thủ, kiên quyết không ra giao chiến. Ông tránh giao tranh với quân Thục trong mọi tình huống, và bị các tướng dưới quyền chế nhạo, họ cho rằng ông là nhân vật nhút nhát.[25]

Tư Mã Ý rút chạy trước Gia Cát Lượng

Lúc này Gia Cát Lượng chờ mãi không được đành dẫn quân rút lui về phía Kỳ Sơn, nhằm lôi kéo quân Ngụy ra ngoài để đánh thực tế đây là Gia Cát Lượng đang bày kế rút quân để dụ quân địch.[26] Tư Mã Ý cho quân đuổi theo rất thận trọng và vẫn đề phòng cẩn thận, khi quân Thục dừng lại thì họ cũng dừng lại, tuy nhiên họ chỉ cắm trại cố thủ. Lúc này nhiều tướng Ngụy cho rằng Tư Mã Ý nhát gan và cười mỉa ông ta rằng: Tướng quân Tư Mã sợ quân Thục như sợ cọp, chẳng nhẽ không sợ thiên hạ cười chê hay sao?.[27]

Khi không thể phòng thủ mãi, và bị các bộ tướng thúc ép, ông đành phải cho các tướng ra giao chiến, tấn công các vị trí của quân Thục, Tư Mã Ý đành phải cử Trương Cáp đem quân đi đánh vào phía Nam của quân Thục ở Kỳ Sơn. Gia Cát Lượng cho Ngụy Diên, Ngô Ban, Cao Tường ra nghênh địch. Trương Cáp thua to, quân Ngụy bị tiêu diệt. Khi quét tước chiến trường, quân Thục thu hoạch hơn 3.000 thủ cấp, 500 bộ giáp và 3000 nỏ.[28] Sau khi bị tổn thất, Tư Mã Ý rút quân về Thiên Thủy, tiếp tục cố thủ, không đánh.

Quân Thục rút lui

Đến tháng 6 năm 231, do trời mưa to hết này này sang ngày khác, việc vận tải lương thực rất khó khăn. Tướng phụ trách việc vận lương là Lý Nghiêm giả mạo chiếu thư thiên tử lệnh cho Gia Cát Lượng lui binh. Gia Cát Lượng đành chấp nhận rút quân,[27] quân Thục phải rút lui vì hết lương ăn.[26] Tam Quốc diễn nghĩa hư cấu chuyện Lý Nghiêm sai Đô úy là Cẩu An vận lương, vì say sưa rượu chè nên đem lương đến muộn, Gia Cát đòi chém sau đó tha và đánh đón. Cẩu An ấm ức đầu hàng Tư Mã Ý, Tư Mã Ý sử dung Cẩu An về Thục phao tin rằng Gia Cát Lượng làm phản và Hậu chủ liền triệu quân Thục về.

Trong giờ phút gay cấn, quân Thục lại gặp một vấn đề nan giải là có tám vạn người đã hết hạn quân dịch, đang chờ quân mới lên bổ sung thay để về quê. Quân Ngụy của Tư Mã Ý có 30 vạn quân, lực lượng đông đảo, đóng quân ở khắp nơi. Sau khi tám vạn quân cũ rút về quê thì lực lượng quân Thục càng mỏng yếu. Các tướng lĩnh quân Thục đều cảm thấy lo ngại. Những người lính cũ đang chờ ngày về quê cũng cảm thấy lo ngại, sợ rằng nguyện vọng về quê chờ đợi đã lâu nay không thực hiện được ngay mà phải chờ đợi sau khi chiến tranh kết thúc mới có thể về quê được.[24]

Cùng lúc đó, không ít tướng lĩnh quân Thục góp ý nên giữ lại 8 vạn quân này khoảng 1 tháng, đợi đánh trận xong sẽ cho họ về. Nhưng Gia Cát Lượng không đồng ý và cho rằng: "Thống soái ba quân phải giữ chữ tín làm đầu, ta không thể vì cần họ trong chốc lát mà mất lòng tin đối với dân chúng. Huống hồ những người huynh đệ này đi xa lâu ngày, canh cánh nổi nhớ nhà, bố mẹ, vợ con họ đang mỏi mắt chờ đợi họ trở về để sớm đoàn tụ cùng gia đình".[29][30]

Sau đó ông hạ lệnh cho quân lính lên đường (lúc này quân Thục cũng rút quân về do không đủ lương thảo). Lệnh được ban ra tất cả những người chuẩn bị về quê thấy vui vẽ khác thường, cảm kích và nhao nhao nói rằng: "Thừa tướng đối xử với chúng tôi ân sâu nghĩa nặng, chúng tôi muốn ở lại tham gia chiến đấu". Những binh sĩ tại ngũ cũng được động viên cổ vũ rất lớn, khí thế hào hùng, đều đồng lòng chuẩn bị xả thân giết quân Ngụy".[29] Gia Cát Lượng trong giờ phút khẩn cấp không thay đổi lệnh cũ, khiến mệnh lệnh hồi hương thành lệnh động viên chiến đấu. Sự nhiệt huyết của những binh sĩ lớn tuổi đã cổ vũ mạnh mẽ cho các binh sĩ tại ngũ, trên dưới trong quân Thục tràn đầy nhiệt tình, sĩ khí hừng hực.[30]

Phục kích tại Kiếm Các

Gia Cát Lượng quyết định sách lược tác chiến ở hậu phương, bày nhiều kế hay, cách đánh hiểm, cho quân lính mai phục ở Mộc Môn. Trên đường rút lui Gia Cát còn gài bẫy chém được danh tướng nước Ngụy là Trương Cáp khi người này dẫn quân đuổi theo. Trương Cáp là một dũng tướng của quân Ngụy bị dụ đến và lọt vào vòng vây mai phục ở Mộc Môn, bị cung tên bắn như mưa và chết tại đây. Quân sĩ nhà Thục khí thế ầm ầm, mọi người hăng hái xông lên, quân Ngụy đại bại trận này. Tư Mã Ý buộc phải dẫn quân rút lui.

Tranh vẽ mô tả cảnh Trương Cáp bị phục kích và bị bắn chết

Về việc tướng Trương Cáp bị trúng kế của Gia Cát LượngKiếm Các và bỏ mạng. Trong Tam Quốc chí ghi rằng Tư Mã ý khuyên Trương Cáp không nên đuổi theo quân Thục Hán nhưng ông không nghe nên bị phục kích, nhưng trong các ghi chép khác thì Trương Hợp lúc đó là lão tướng nhiều kinh nghiệm nên không đuổi theo Gia Cát Lượng, nhưng Tư Mã Ý hoặc là vì thiếu hiểu biết hoặc là cố ý hại ông để tranh quyền nên ra lệnh cho ông đuổi theo.[31] Trương Cáp được phong tước Hầu sau khi chết.

Trong Tam Quốc diễn nghĩa có hư cấu chi tiết việc Trương Cáp bị giết tại hồi 101, theo đó Trương Cáp đánh Ngụy Diên chưa đầy mười hiệp, Ngụy Diên thua to, bỏ cả áo giáp, mũ và ngựa, dẫn bại quân chạy rẽ vào đường Mộc Môn. Trương Cáp càng hăng, lại thấy Ngụy Diên thua chạy, liền tế ngựa dấn theo. Bấy giờ, trời đã tối mịt, bỗng có tiếng pháo nổ vang, rồi lửa ở trên núi bốc sáng vằng vặc, đá gỗ quăng xuống ngổn ngang, chặn mất đường đi. Trương Cáp thất kinh, kêu rằng: Ta mắc phải mẹo mất rồi!Trương Cáp lập tức quay ngựa chạy về, té ra mé sau cũng bị đá gỗ chặn lấp mất đường, ở giữa chỉ còn một khoảng đất trống, hai bên toàn vách núi. Cáp hết đường lui tới. Bỗng nghe một tiếng cồng, hai bên núi hàng vạn cung nỏ bắn ra, tên bay như châu chấu. Trương Cáp và hơn trăm bộ tướng, cùng bị bắn chết ở trong đường Mộc Môn. Khổng Minh đứng trong bóng lửa sáng, trỏ xuống bảo rằng: Ta hôm nay đi săn, định bắt một con ngựa (ý chỉ Tư Mã Ý) lại bắn nhầm phải con nai (chỉ Trương Cáp).

Trong buổi khao quân, Gia Cát Lượng đặc biệt khen ngợi những binh sĩ đã không bỏ về quê nhà, chủ động tham gia chiến đấu. Khắp trong doanh trại đều hò reo vui mừng. Trong chiến dịch lần này tuy quân Thục không đạt được kết quả như mong muốn, phải rút quân về nhưng Gia Cát Lượng đã được binh sĩ tin yêu, ông ta đã lấy được lòng tin của binh sĩ với phương châm thà rằng khó khăn nhất thời nhưng cũng giữ được lời hứa với binh sĩ".[32]

Đối với việc quân Thục rút quân, tác phẩm Tam Quốc diễn nghĩa viết rằng quân Thục liên tiếp thắng to, sắp sửa giành được thắng lợi quyết định. Nhưng vua Thục Hán là Lưu Thiện nghe lời gièm pha của một tên hoạn quan thân cận (tên này đã nhận tiền của quân Ngụy để giúp tiến hành ly gián), xuống chiếu triệu Gia Cát Lượng hồi kinh. Gia Cát Lượng vô cùng tiếc nuối nhưng vẫn phải tuân lệnh vua. Khi về triều ông đã bày tỏ lòng trung của mình, truy ra kẻ gièm pha và cho chém đầu giữa triều để làm gương.